Cyber Attack là gì? Nguy cơ và cách đối phó trong kỷ nguyên số
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít rủi ro về an ninh mạng. Trong số đó, Cyber Attack (tấn công mạng) đang ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.
Cyber Attack là gì?
Cyber Attack hay tấn công mạng, là hành vi xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính, máy chủ, cơ sở dữ liệu, trang web hoặc các thiết bị kỹ thuật số nhằm phá hoại, đánh cắp, thay đổi hoặc làm gián đoạn hoạt động bình thường của hệ thống.
Các cuộc tấn công này thường được thực hiện bởi các tội phạm mạng (cybercriminal) với nhiều hình thức khác nhau, từ việc tấn công một máy đơn lẻ đến hệ thống quy mô lớn, với mục tiêu:
-
Đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc thông tin doanh nghiệp.
-
Làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hoặc hệ thống vận hành.
-
Mở đường cho những cuộc tấn công lớn hơn, tinh vi hơn trong tương lai.
Trong nhiều trường hợp, hacker có thể sử dụng chính những thiết bị đã bị tấn công để tiếp tục mở rộng cuộc tấn công sang các hệ thống khác, khiến thiệt hại tăng theo cấp số nhân.
Đối tượng và mục đích của Cyber Attack
Các cuộc tấn công mạng (Cyber Attack) không phân biệt quy mô hay lĩnh vực, và bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu. Từ cá nhân, doanh nghiệp nhỏ đến các tổ chức chính phủ, tập đoàn lớn hay thậm chí cả quốc gia, tất cả đều có nguy cơ bị tin tặc (cybercriminal) nhắm đến.
Trong đó, doanh nghiệp thường là mục tiêu phổ biến nhất. Lý do đơn giản là vì đây là nơi lưu trữ nhiều thông tin có giá trị như: dữ liệu khách hàng, tài chính, chiến lược kinh doanh… và có khả năng chi trả tiền chuộc, từ đó đem lại lợi nhuận phi pháp cho kẻ tấn công.
Mục đích của các cuộc tấn công mạng thường bao gồm:
-
Tống tiền (ransomware): Mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập.
-
Trục lợi tài chính: Đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng…
-
Hiển thị quảng cáo hoặc chiếm quyền điều khiển trình duyệt nhằm mục tiêu kiếm tiền qua quảng cáo bất hợp pháp.
-
Phá hoại hệ thống: Làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
-
Gián điệp hoặc phá hoại quốc gia: Nhắm đến cơ quan nhà nước để đánh cắp dữ liệu mật hoặc làm tê liệt hệ thống trọng yếu.
-
Cạnh tranh không lành mạnh: Làm rò rỉ thông tin, phá hoại đối thủ trong cùng ngành.
-
Mua vui hoặc thể hiện kỹ năng: Một số hacker tấn công mạng chỉ để chứng tỏ năng lực, không nhằm mục đích tài chính.
Xu hướng tấn công mạng (Cyber Attack) hiện nay
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn về hình thức. Dưới đây là những xu hướng Cyber Attack phổ biến nhất hiện nay mà các doanh nghiệp và cá nhân cần đặc biệt lưu tâm:
1. Tấn công vào chuỗi cung ứng phần mềm (Supply Chain Attack)
Đây là hình thức tấn công mà tin tặc xâm nhập vào một phần mềm hợp pháp bằng cách chèn mã độc vào các thành phần của chuỗi cung ứng – từ mã nguồn, thư viện, đến hệ thống cập nhật phần mềm.
Các cuộc tấn công chuỗi cung ứng thường được chia thành hai loại:
-
Tấn công có mục tiêu cụ thể: Hacker phân tích kỹ lưỡng các nhà cung cấp và khai thác điểm yếu nhất trong chuỗi để thâm nhập.
-
Tấn công diện rộng: Tin tặc lợi dụng một phần mềm được phân phối rộng rãi để lây nhiễm cho nhiều người dùng cùng lúc.
Ví dụ điển hình là vụ SolarWinds – một trong những cuộc tấn công chuỗi cung ứng nghiêm trọng nhất thế giới.
2. Tấn công Phishing (Giả mạo)
Phishing vẫn là kỹ thuật phổ biến do chi phí thấp, tỷ lệ thành công cao. Tin tặc thường gửi email giả mạo chứa liên kết độc hại để dụ người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã OTP.
Một khi người dùng vô tình click và nhập thông tin, dữ liệu sẽ lập tức rơi vào tay hacker, từ đó dễ dẫn đến chiếm quyền truy cập, lừa đảo tài chính hoặc tống tiền.
3. Tấn công vào nền tảng Cloud (Cloud Attack)
Việc doanh nghiệp chuyển đổi sang hạ tầng điện toán đám mây ngày càng phổ biến cũng đồng nghĩa với việc Cloud trở thành mục tiêu hấp dẫn cho hacker. Lỗ hổng thường xuất phát từ:
-
Cấu hình sai quyền truy cập
-
Mật khẩu yếu hoặc bị rò rỉ
-
Thiếu kiểm soát lớp bảo mật nội bộ
Khi hacker khai thác được những điểm yếu này, chúng có thể truy cập dữ liệu nhạy cảm, đánh cắp tài liệu hoặc phá hoại hệ thống cloud.
4. Tấn công thiết bị di động (Mobile Attack)
Điện thoại thông minh và các ứng dụng di động, đặc biệt là ứng dụng ngân hàng, đang trở thành mục tiêu mới. Các hình thức tấn công phổ biến gồm:
-
Cài phần mềm độc hại giả mạo ứng dụng chính thống
-
Đánh cắp thông tin thanh toán, tài khoản ngân hàng
-
Xâm nhập camera, microphone hoặc định vị thiết bị
Sự phát triển của mobile malware khiến người dùng dễ trở thành nạn nhân nếu không cẩn trọng trong việc cài đặt và sử dụng ứng dụng.